Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, dân tộc Chăm với nền văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng đã đóng góp vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam nhiều thành tựu quan trọng. Bên cạnh một khối lượng di sản khổng lồ về văn hóa dân gian, về một hệ thống lễ hội đặc sắc và đa dạng; tất cả chúng ta phải ngả mũ kính chào một nền nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tuyệt kỹ mà họ còn để lại.
Chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của một trong những sản phẩm của nền kiến trúc và điêu khắc đó tại mảnh đất Phan Thiết – Mũi Né – Việt Nam; đó chính là nhóm đền tháp Chăm Pôshanư.
Nhóm đền tháp Chăm Pôshanư tọa lạc trên đồi Bà Nài thuộc xã Phú Hải về phía Đông Bắc cách thành phố Phan Thiết chừng 7 km được người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai- một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Vương quốc Chămpa.
Nhóm tháp gồm 3 tháp: Tháp chính A hơi chếch về phía Nam, hai tháp phụ là B hơi chếch về phía Bắc và C chếch về hướng Đông cạnh tháp A. Tháp thờ thần Shiva (một trong những vị thần Ấn độ giáo được người Chăm sùng bái, tôn kính) biểu hiện bằng bệ thờ Linga-Yôni bằng đá hiện còn lưu giữ tại tháp chính.
Đến thế kỷ XV, người Chăm tiếp tục xây dựng một số đền thờ dạng kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Pôshanư, tương truyền là con vua Para Chanh được nhân dân yêu quý về tài đức và phép ứng xử của Bà đối với người Chăm đương thời. Bà cũng chính là người đã chỉ dạy nhân dân cách trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm, trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt hải sản.
Nhóm đền tháp Pôshanư có kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật gợi lên yếu tố thẩm mỹ khá riêng biệt của phong cách kiến trúc Hòa Lai.
Tháp chính A từ trong lòng tháp lên đến đỉnh cao 15 mét, cạnh đáy mỗi bề gần 20 mét, một cửa chính dài, hướng về phía Đông mà theo truyền thuyết Chăm hướng Đông là nơi cư ngụ của thần linh. Có 3 cửa giả ở các hướng Bắc, Tây, Nam. Trên vòm cuốn ở hướng Tây hiện còn những dãy chạm khắc dày đặc với những bông hoa và hình tượng kỳ lạ. Tháp có 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại và bớt đi những yếu tố kiến trúc của tầng dưới. Trên đỉnh tháp có 4 cửa sổ hình tam giác hướng về 4 phía, bên ngoài xây bít kín, dưới mỗi cửa sổ gạch có 4 lỗ lớn để thông gió ra ngoài.
Tháp B nằm riêng nhích về hướng Bắc cao khoảng 12 mét, về cơ bản hình dáng kiến trúc giống tháp A nhưng đơn giản hơn. Trước đây trong tháp có thờ bò thần Namdin nhưng sau đó không còn.
Tháp C hiện chỉ còn lại một phần tháp với chiều cao hơn 4 mét, duy nhất 1 cửa trổ về hướng Đông những kiến trúc và trang trí nghệ thuật bên ngoài đã bị thời gian bào mòn chỉ còn lại một số đường nét gốc.
So với những tháp Chăm khác, đến nay di tích này hàng năm vẫn có đông đảo người Chăm từ các vùng lân cận đến làm lễ cầu mưa và tiến hành những nghi lễ khác. Một điều khá lý thú là ngư dân những vùng lân cận trước khi đi biển cũng đến đây cầu cho những chuyến đi biển được bình yên.
Cách nhóm đền tháp Chăm khỏang 2km về hướng Đông Bắc; Khu du lịch Poshanu resort được xây dựng dựa trên sự mô phỏng về kiến trúc Chăm cổ, với 26 phòng bungalow. Tòan cảnh khu du lịch như một làng quê của người Chăm, với tháp nước, ruộng rau, bụi mía… xa xa một mái nhà rêu phong hòa quyện trong màu xanh của rừng cây bạt ngàn như níu chân du khách trong các kỳ nghỉ; Dọc theo các lối đi một mùi thơm thoang thỏang bay lên từ những ruộng lúa đang thì con gái, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy… làm cho du khách như đi lạc vào miền quê của những người Chăm xa xưa, tự tại và thanh bình.
Nguồn: Sưu tầm