Dinh Thầy Thím Phan Thiết 130 năm tuổi và những điều huyền bí!

18/12/2019 5016 lượt xem
Trang chủ Cẩm nang du lịch

Vị trí ấn tượng của Dinh Thầy Thím Phan Thiết 

Dinh Thầy Thím với lịch sử tồn tại hơn 130 năm, là di tích không chỉ có giá trị về nhiều mặt: Văn hoá, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc mà còn mang nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh, phi vật thể. Không riêng gì với du khách, mà với ngay cả những cư dân của Bình Thuận thì Dinh Thầy Thím cũng còn mang nhiều điều huyền bí.

Dinh Thầy Thím hầu như đều có trong chương trình tham quan của những du khách đến Phan Thiết. Thuộc xã Tân Hải, thị xã La Gi, Bình Thuận và nằm cách trung tâm Phan Thiết khoảng 70km.

Toạ lạc giữa một khu rừng trầm mặc, yên tĩnh cách biệt với cuộc sống đời thường, Dinh Thầy Thím càng trở nên lắng đọng, tôn nghiêm giữa khung cảnh thiên nhiên huyền ảo.

Ngày nay, sau nhiều năm phục dựng, phát triển, Dinh Thầy Thím không chỉ là nơi du khách thập phương đến cúng bái mà còn là nơi du khách đến để chiêm ngưỡng, tham quan một thắng cảnh núi biển thanh bình, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của vùng đất Lagi.

Kiến trúc độc đáo của Dinh Thầy Thím

Mang dáng dấp như một ngôi đình làng bao gồm nhiều công trình chính quay về hướng Tây như: Tam quan, Võ ca, chính điện, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng, phòng Truyền thống,v.v….Dinh Thầy Thím thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình qua các công trình chạm khắc nghệ thuật và trang trí nội thất.

Kiến trúc của dinh mang đậm nét ngôi nhà cổ với những gian nhà được sắp xếp theo thứ tự nhất định. Những mái ngói đỏ cong vút, những bức tượng đắp nổi trên vách, trên cột, trên nóc nhà do các nghệ nhân Huế phục dựng, cùng những bức phú điêu trước sân mang lại cho du khách cảm giác đó là nơi tìm về để kính nhớ tổ tiên. Cảm giác trong ngôi nhà cổ đó, có ông, bà đang đợi con cháu về thăm và chúc thọ. Song tính thiêng liêng, uy nghiêm vẫn thể hiện rõ qua những cặp rồng một hướng thiên, một hướng địa trên các cây cột trước sân, trong tiếng chuông ngân vang trong vắt.

Dinh Thầy Thím luôn thu hút những người yêu kiến trúc Việt ngày xưa bởi nó luôn ẩn chứa những nét cổ kính và rất nghệ thuật. Du khách đến thăm Dinh Thầy Thím không chỉ bị hấp dẫn bởi kiến trúc hay quang cảnh mà còn bị lôi cuốn bởi những câu chuyện gắn liền với nơi này. Đề cao tính nhân văn từ sự nhân ái của một đạo sỹ tài giỏi sống khiêm tốn và vì những người xung quanh mình, câu chuyện được xem là truyền thuyết gắn liền với sự hình thành Dinh Thầy Thím không chỉ có giá trị cho thời xưa mà còn tiếp tục phát huy giá trị đáng quý ấy cho đến thời hiện tại.

Về Dinh nghe chuyện ngày xưa…

Khu vực dinh ngập tràn bóng mát của những cây cổ thụ, vài cụ già tóc phơ ngồi kể chuyện ngày xưa hay đánh cờ. Cảm giác thanh bình, sảng khoái ùa về cùng những cơn gió nhẹ, xa xa đồi núi xanh thẳm hòa cùng mây trời trong vắt, thoang thoảng mùi thơm của lúa non, cảm giác thanh bình, yên ả, gột trôi mọi lo toan, phiền muộn của cuộc sống.

Khu mộ không nằm trong dinh mà cách dinh khoảng 3km về hướng tây. Đường vào khu mộ xanh ngát với những ruộng lúa đương thì, với những vườn thanh long đang trổ bông, đâu đó những ao nước trong veo đàn vịt thỏa sức rỉa trong dòng nước mát.

Trong khu vực mộ, những cây dầu cổ thụ chen lẫn những tán sao, xà cừ, tạo cho du khách cái cảm giác như đang đi giữa rừng với tiếng nhạc lao xao của lá hòa với âm thanh vi vu của gió. Bốn nấm mộ (2 mộ của thầy thím và 2 mộ của đôi hắc, bạch hổ) được đắp bằng cát trắng mịn, vút cao.

Du khách đến thăm Dinh Thầy Thím có thể cầu may, cầu an bình hoặc có thể vãn cảnh và thêm vào sổ tay du ngoạn của mình một điểm đến giản dị nhưng ý nghĩa, ai cũng cảm nghiệm được sự nhẹ nhàng mang tính giáo dục về cách sống của con người, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên giá trị cốt lõi của công trình kiến trúc đình làng của Dinh Thầy Thím đặc sắc này.

Các Lễ hội lớn trong năm của Dinh Thầy Thím:
Lễ Tảo Mộ: diễn ra vào ngày mồng năm tháng giêng âm lịch hàng năm.
Lễ Tế Thu: (Lễ Giỗ) kéo dài từ ngày 14 – 16 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Trong những dịp này, bên cạnh việc dâng khói hương nghi ngút, người dân và du khách hành hương thường hay tổ chức các hoạt động cuốn hút như: chèo bã trạo, diễn xướng tích Thầy, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài, xin lộc Thầy, phóng sanh thả chim về rừng, cùng làm công tác từ thiện,…để tỏ lòng thành kính cũng như đi tìm sự thanh thản cho tâm hồn.

Nguồn: Sưu tầm

Top